Ngày đăng: 11:15 AM 14/02/2023 - Lượt xem: 1848
Hình bóng của người lãnh đạo phải luôn gắn liền và tồn tại cùng với doanh nghiệp. Nó xuất hiện nhiều hơn khi công ty gặp khó khăn, sự cố nhưng cũng không thể thiếu vắng hoàn toàn khi công ty phát triển, thành công...
Có một vài chủ doanh nghiệp nghĩ rằng xây dựng được bộ máy, tuyển dụng giám đốc điều hành, tạo hướng kinh doanh để cho nó tự vận hành xong là khỏe, có thể nghỉ ngơi hoặc lo chuyện khác. Thật sự, số lượng các doanh nghiệp này ở Việt Nam không nhiều vì nhiều nguyên nhân, trong đó môi trường kinh doanh luôn biến động và không tìm được người điều hành thay là một trong những lý do căn bản nhất khiến người sáng lập hay chủ doanh nghiệp chưa thể từ bỏ vai trò điều hành được.
Ban lãnh đạo, Ban giám đốc công ty cổ phần DSTORE, DGroup Holdings (DGH).
Và ở một tầm thấp hơn, Giám đốc điều hành sẽ làm gì khi mà tất cả mọi việc đều đã có các phòng, ban nghiệp vụ thực hiện rồi. Phải chăng, nhiệm vụ của chủ tịch hay tổng giám đốc chỉ còn là chuyện định hướng và họp nghe báo cáo? Nếu mọi việc đơn giản như vậy, có lẽ các công ty tư vấn, tuyển dụng không chịu tốn công, tốn sức và cả tốn của để "săn" các nhà quản trị cấp cao nhiều như thế. Vậy vai trò của lãnh đạo cao nhất trong một doanh nghiệp hay một tổ chức là gì? Ở đây chỉ xin đề cập đến một số khía cạnh mang tính thực tiễn của vấn đề này.
Trước tiên, đó là tầm nhìn định hướng chiến lược. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần phải có một chiến lược phát triển. Chiến lược phải đặt trên một tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh mà nó nhắm đến. Thành hay bại của một công ty, một doanh nghiệp đều bắt nguồn từ một chiến lược phù hợp hay không. Chiến lược là một công việc dài hạn, nhưng nó có thể thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và cơ hội kinh doanh.
IBM bắt đầu từ một công ty chế tạo máy móc đã chuyển hướng thành công ty nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điện tử, tin học. Thuở ban đầu, Canon được biết đến như một công ty về thiết bị quang học máy ảnh, nhưng hiện nay mảng doanh thu lớn nhất lại thuộc về lĩnh vực máy photocopy, máy in... Khởi nghiệp của một công ty sản xuất các loại nước chấm, gia vị nổi tiếng Việt Nam hiện nay lại là một công ty về phần mềm tin học đó chính là tập đoàn FPT,...
Còn vô vàn những thí dụ như vậy. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, chính các lãnh đạo cao nhất của các công ty này là những người quyết định cho sự thay đổi, hay mở rộng hướng kinh doanh sang một lĩnh vực mới.
Tất nhiên, nền tảng cho những quyết định này là sự phân tích cơ hội, nguy cơ, điểm mạnh, điểm yếu cũng như hoàn cảnh, môi trường, tuy nhiên điều không thể thiếu đó là sự nhạy bén trong kinh doanh, khả năng linh cảm hay còn gọi là may mắn. Và một điều hay trùng lặp, ở những doanh nhân thành đạt thì thường khả năng linh cảm của họ rất cao hay nói một cách khác, họ rất hay gặp may. May mắn thường đến với người luôn tìm kiếm và hào hứng với những cơ hội.
Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt và luôn biến động, điều hôm qua còn coi là đúng, hôm nay có thể đã không còn phù hợp, do vậy, lãnh đạo công ty luôn phải suy nghĩ tìm cách thích ứng với mọi thay đổi của môi trường và giành được cơ hội tốt cho doanh nghiệp mình. Điều này ngoài lãnh đạo cao nhất ra, khó có ai có thể thực hiện thay được. Vì ở đây chủ tịch hay tổng giám đốc không chỉ tìm cách thích ứng cho bản thân mình mà cho cả một bộ máy, một doanh nghiệp. Người không đủ khả năng hoặc không đủ nghị lực và quyết tâm sẽ khó thực hiện nổi.
Muốn việc điều hành, phối hợp hoạt động các bộ phận trong công ty hiệu quả, lãnh đạo cao nhất phải tạo ra được một môi trường và tìm cách khuyến khích, động viên cho bộ máy hoạt động. Đây chính là việc làm của lãnh đạo.
Có mặt đúng lúc khi nhân viên gặp khó khăn cần hỗ trợ. Phải nhìn ra được những điểm mấu chốt để gỡ, giải một việc có tác dụng kéo theo nhiều việc khác. Ngày xưa, khi đốn cây, khai hoang rừng để làm rẫy, người thợ xẻ thường chọn những cây to để khi đốn ngã sẽ kéo theo hàng loạt các cây con, tiết kiệm thời gian và công sức. Hãy giúp đỡ nhân viên bằng cách hướng dẫn họ tìm ra những cây to, những điểm mấu chốt để giải. Khác với việc đốn cây, trong kinh doanh không phải nhất nhất việc lớn sẽ giải việc nhỏ mà đôi khi ngược lại và chính yếu là những điểm mấu chốt này không dễ nhận ra hoặc nhận ra nhưng không phải dễ giải. Hãy hướng dẫn nhân viên tìm và giải những điểm chặn này.
Quy tụ lòng người, đó là trách nhiệm cao cả của lãnh đạo. Một lời động viên, hỏi thăm của lãnh đạo cao nhất khi nhân viên gặp khó khăn, không chỉ trong công việc, có tác động rất lớn đối với mọi người. Tạo dựng môi trường thuận lợi cho bộ máy hoạt động là một việc làm thường xuyên và liên tục. Một lúc ngưng nghỉ, lơ là hay chùng lại cũng làm lãnh đạo tốn rất nhiều công sức để gầy dựng lại và chưa chắc đã lấy lại được những gì đã mất. Thực tế cho thấy nhiều giám đốc do quá bận rộn đã "bỏ quên" các công việc này và hậu quả là phải trả giá rất đắt.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị DGH.
Nói một cách khác, lãnh đạo phải là linh hồn của một doanh nghiệp, một tổ chức; là người góp phần chính tạo nên văn hóa doanh nghiệp đó. Có thể không cần liên tục có mặt, tham gia vào tất cả mọi hoạt động của công ty, nhưng khi cần thiết, đặc biệt lúc khó khăn, người lãnh đạo phải là chỗ dựa vững chắc cả trong công việc lẫn tinh thần cho toàn công ty. Kinh doanh như việc tung hứng một trái bóng, có lúc lên, có lúc xuống. Khi trái bóng lên, người lãnh đạo cần duy trì, giữ cho trạng thái này càng lâu càng tốt và chuẩn bị những hướng dự phòng khi nó lên đến điểm cao nhất. Khi xuống, phải giữ vững tinh thần cho toàn đội ngũ, tỉnh táo và bình tĩnh tìm đường ra ngay cả trong những tình huống xấu nhất.
Ở những tầm nhỏ hơn như trưởng khác phòng ban hay trưởng các đội nhóm họ cũng nhìn thấy đó để làm tấm gương phấn đấu cho bản thân mình trong công việc cũng như trong cuộc sống nên làm người lãnh đạo còn phải giữ tác phong và xây dựng những mối quan hệ với nhiều thành phần xã hội theo những cách khác nhau. Dù anh đối xử từ 1 anh giám đốc tới 1 người bảo vệ hay cô lao công đều có sự tôn trọng yêu quý xem họ như những người thân trong gia đình. Trong công ty thì có trên có dưới để vận hành được hiệu quả thì vị trí càng cao thì càng phải là những tấm gương những người xem như thần điểm chiếu điểm của những giá trị mà công ty đang xây dựng. Ví dụ, đã là người của Apple thì chắc hẳn từ ăn ngủ nghỉ chỉ có thể nói về sản phẩm Apple về môi trường, về công ty, sử dụng sản phẩm Apple cho dù có thể không phải cái gì Apple cũng là tốt nhất.
Những nơi nào mà từ trên xuống dưới đều làm được như vậy thì ắt hẳn nơi đó 1 môi trường văn hoá doanh nghiệp rất mạnh và bền vững. Tâm họ ở đâu thì thân họ ở đó! Kinh doanh luôn biến động và khắc nghiệt, nhưng nếu bạn đã chọn, hãy vui vẻ vượt qua mọi trở ngại và nỗ lực trở thành người chiến thắng. Muốn vậy, hãy trở thành linh hồn của đội nhóm, tổ chức, hay doanh nghiệp mình.
(Trích - Phó CT HĐQT DGH Ông Nguyễn Quang Huy)
— BTV Kamy —